TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG TRẺ EM - TỔNG HỢP NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

        Từ lúc chào đời, hệ miễn dịch của bé vẫn còn non nớt và chưa phát triển toàn diện, nên bé có thể mắc phải một số bệnh mà người lớn chúng ta có thể vượt qua. Vắc xin phát huy tác dụng qua việc tạo một lượng Protein (kháng nguyên) của một số loại bệnh, vừa đủ để kích thích cơ thể sản sinh các kháng thể mà không gây nhiễm bệnh. Con bạn nhờ vậy sẽ có sức đề kháng tự nhiên cần thiết để tự bảo vệ khi tiếp xúc với các căn bệnh thực sự trong tương lai. Sau đây, Blog Y Dược sẽ tổng hợp các thông tin liên quan đến vắc xin chủng ngừa cho trẻ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới, Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương, Bệnh viện Nhi Trung Ương,...



Lịch tiêm chủng bắt cuộc cho trẻ em (theo Chương trình tiêm chủng mở rộng - Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương).


Chích ngừa vắc xin cho trẻ sơ sinh (tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh):

+ Lao(BCG) : tiêm 1 mũi, tiêm ở vai trái

+ Viêm gan B mũi 1 (tốt nhất là 24h sau sinh), mũi này thường được tiêm trong bệnh viện sau khi bé vừa sinh.

Chích ngừa vắc xin cho trẻ 2 tháng tuổi: chích ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib mũi 1 và viêm gan siêu vi B mũi 2.

+ Tiêm ngừa vacxin 6 trong 1 (Infanrix hexa – Bỉ) bao gồm 6 thành phần là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm.

+ Trong trường hợp vắc xin 6 trong 1 hết, phụ huynh có thể thay thế bằng 1 trong 2 liều vắc xin tổng hợp 5 trong 1 sau:

1/ Vacxin 5 trong 1 dịch vụ (pentaxim – Pháp) là vaccine tổng hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và phòng nhiễm khuẩn xâm lấn do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b (viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết…) ở trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên. Trẻ cần bổ sung liều vắc-xin viêm gan B đơn sau khi tiêm Pentaxim.

2/ Vacxin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng (Quinvaxem – Hàn Quốc) là vaccine tổng hợp phòng 5 bệnh gây nguy hiểm cho trẻ gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm, trừ bại liệt. Vì vậy, nếu trẻ tiêm văc-xin này thì sẽ được bổ sung bằng liều vắc-xin uống để ngừa bại liệt (DPT).

+ Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi nên cho uống vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do rotavirus. Vắc xin Rotarix uống liên tục 2 liều, mỗi liều cách nhau tối thiểu 4 tuần. Sau 6 tháng tuổi, vắc xin Rotarix sẽ không còn tác dụng.

+ Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 2 tuổi có thể tiêm thêm vắc xin phòng các bệnh nhiễm trùng do phế cầu khuẩn gây bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não mủ Hib không chỉ định type, nhiễm trùng huyết bằng vắc xin Synflorix 1 liều duy nhất. Sau 2 tuổi bé có thể chích thêm vắc xin phòng 23 chủng phế cầu Pneumo 23. Lưu ý 2 loại vắc xin này phải cách nhau ít nhất 6 tháng.

Chích ngừa vắc xin cho trẻ 3 tháng tuổi: chích ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib mũi 2 và viêm gan siêu vi B mũi 3.

+ Tiếp tục chích vac xin 6 trong 1, 5 trong 1 dịch vụ hoặc 5 trong 1 TCMR hoặc vắc xin đơn liều như lịch trẻ 2 tháng tuổi.

Chích ngừa vắc xin cho trẻ 4 tháng tuổi: chích ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib mũi 3 và viêm gan siêu vi B mũi 4.

Chích ngừa vắc xin cho trẻ 6 tháng tuổi: cúm ( Tiêm lần đầu tiên: trẻ 6 – 36 tháng tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, trẻ trên 36 tháng tiêm 1 mũi, nhắc lại hàng năm). Lần đầu tiên khi chích ngừa cúm, sởi, phụ huynh nhớ kiểm tra xem bé có dị ứng trứng gà hay không nhé.

Chích ngừa vắc xin cho trẻ 9 tháng tuổi: mũi 1 sởi, quai bị rubella MMR (cái này có vacxin phối hợp 3 in 1 nhé nên chỉ tiêm 1 mũi thôi), mũi 2 tiêm sau 6 tháng, nhắc lại sau 4 năm.

Chích ngừa vắc xin cho trẻ 12 tháng tuổi:

+ Thủy đậu: Với vacxin Okavav của Pháp thì tiêm 1 mũi. Với vacxin Varilrix của Bỉ thì từ 12 tháng – 12 tuổi tiêm 1 mũi, trên 12 tuổi tiêm 2 mũi cách nhau 6 -8 tuần.

+ Viêm não Nhật Bản: Tiêm 2 mũi đầu cách nhau 1 – 2 tuần, mũi 3 sau 1 năm và cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần đến khi 15 tuổi.

+ Viêm gan A: Tiêm 2 mũi cách nhau 6 tháng nếu là vacxin Avaxim – Pháp, hoặc cách 1 năm nếu là vacxin Epaxal – Thụy Sỹ

Chích ngừa vắc xin cho trẻ 15 – 18 tháng tuổi:

+ Chích nhắc lại vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib mũi 4. Thường bác sĩ sẽ chỉ định chích vắc xin 5 trong 1 dịch vụ Pentaxim nhưng trong trường hợp hết thuốc, phụ huynh có thể thay thế bằng mũi 5 trong 1 Qinvaxem trong chương trình TCMR và bổ sung thêm vắc xin uống ngừa bại liệt. Chích nhắc lại sau mỗi 3 năm đến 12 tuổi.

+ Chích mũi 2 sởi, quai bị rubella – vắc xin MMR. Chích nhắc lại sau 4 – 5 năm

Chích ngừa vắc xin cho trẻ 24 tháng tuổi:

+ Viêm màng não do mô cầu A + C (Meningo A + C): Tiêm 1 mũi, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần

+ Phế cầu khuẩn phòng nhiễm trùng do phế cầu khuẩn, đặc biệt viêm phổi (Pneumo 23 – PPSV): Tiêm 1 mũi, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần

+ Thương hàn (Typhim Vi): Tiêm 1 mũi, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần

Các phụ huynh nên làm một cuốn lịch đánh dấu ngày tiêm ngừa của trẻ bằng mực xanh và ghi ngày hẹn nhắc lại bằng mực đỏ và dán vào một nơi dễ nhìn thấy để theo dõi và đưa bé đi chích đúng lịch nhé.Từ tháng 6.2015 sẽ triển khai tiêm Viêm não Nhật Bản trong tiêm chủng thường xuyên trên cả nước. Bạn tham khảo thêm lịch tiêm sau nhé: Lịch tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản:

Mũi 1: Khi trẻ đủ 12 tháng tuổi

Mũi 2: Từ 1 đến 2 tuần sau mũi 1

Mũi 3: Một năm sau mũi 2

* Liều lượng vắc xin viêm não Nhật Bản :

Trẻ từ 12 đến dưới 36 tháng tuổi: tiêm 0,5ml/ liều.

Trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên tiêm 1ml/liều


Đối với vắc xin Viêm não Nhật Bản, để nâng cao hiệu quả bảo vệ tốt nhât, có thể cho cháu tiêm nhắc lại định kỳ hàng năm cho đến khi 15 tuổi.
Việc tiêm các vắc xin cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai ở các trạm y tế xã/ phường trên toàn quốc không kể hộ khẩu thường trú. Bạn có thể đến trạm y tế xã /phường nơi bạn đang tạm trú để đăng ký tiêm chủng cho con bạn. Bạn cần thông báo cho cán bộ y tế các mũi vắc xin cháu đã tiêm và mang theo sổ tiêm chủng khi đến cơ sở y tế.

Thông tin về vắc xin 5 trong 1 hiện đang sử dụng hiện nay
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|


Những chú ý này giúp bố mẹ biết cách chăm sóc bé trước, sau khi tiêm, cũng như hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.
Chuẩn bị cho trẻ trước khi tiêm
Đưa trẻ đi chủng ngừa là việc hầu như phụ huynh nào cũng từng trải qua. Và hẳn không ít lần bạn lúng túng khi bác sĩ hỏi về những mũi tiêm trước đây của bé, về loại thuốc bé đang sử dụng… Để tránh xảy ra tình huống trên và tạo điều kiện tốt nhất cho bé khi đi chủng ngừa, phụ huynh cần chuẩn bị một số việc sau:
1. Kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của bé

Để đảm bảo bé có thể thực hiện được mũi tiêm, bạn nên kiểm tra lại thông tin sau:
- Trong 3 ngày gần đây bé có sốt hay không?
- Nếu là bé sơ sinh thì cân nặng của bé có đủ 2,5 kg chưa?
- Bé có đang bệnh hay không?
Nếu bé có sốt hoặc dưới 2,5 kg thì chưa thể tiêm ngừa được. Nếu bé đang bệnh thì bạn cần nói rõ các triệu chứng để bác sĩ thăm khám và quyết định xem bé có thể tiêm được không.


2. Mang theo tất cả sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng của bé
Sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng vô cùng quan trọng khi đưa trẻ đi chủng ngừa vì trong sổ và phiếu sẽ ghi đầy đủ mũi tiêm mà trẻ đã được thực hiện trước đây. Điều này giúp rất nhiều cho bác sĩ khi tham vấn để hỗ trợ phụ huynh lựa chọn phương án chủng ngừa tối ưu cho trẻ tiêm nhắc, tiêm bù các mũi bỏ sót, tiêm thêm những mũi còn thiếu.
Có những loại thuốc sử dụng sẽ làm giảm hiệu quả của văcxin, do đó nếu gần thời điểm đưa con đi tiêm mà trẻ uống thuốc gì đó, bố mẹ cần cung cấp thông tin này cho bác sĩ.

Các trường hợp không nên cho trẻ đi tiêm văcxin
- Trẻ co giật hoặc sốc trong vòng 72 giờ sau khi tiêm. Những trường hợp này sẽ không bao giờ được tiêm loại văcxin này lần thứ 2.
- Trẻ đang uống thuốc corticoid với liều ≥ 2 mg/kg/ngày, hoặc ≥ 20 mg/ngày, kéo dài từ 14 ngày trở lên.
- Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính nặng hoặc trung bình.
- Trẻ đang sốt ≥ 38,5 độ C.
-
Nếu trẻ có một trong những điều kiện trên thì sẽ không được tiêm chủng hoặc sẽ trì hoãn đến khi hết bệnh. Nếu bé phải dùng thuốc kháng sinh thì khi dừng thuốc 7-10 ngày mới nên cho bé đi tiêm.
Những câu hỏi thường gặp của bố mẹ khi đưa con đi tiêm chủng
1. Nên tiêm vắc xin vào thời điểm nào trong ngày?
Mẹ nên cho con chích ngừa vào buổi sáng là tốt nhất.
Buổi sáng, khi tiêm xong nếu bé sốt quấy hay có vấn đề gì thì mẹ cũng dễ dàng xử lý hơn.

2. Tiêm nhiều loại vắc xin cùng một lúc có được không?
Khoa học đã chứng minh rằng tiêm cho trẻ nhiều loại vắc xin cùng lúc không gây tác dụng phụ lên hệ thống miễn dịch của trẻ. Cho trẻ tiêm nhiều loại vắc xin cùng một lúc, mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, trẻ cũng sẽ sớm hoàn thành lịch tiêm chủng và quan trọng là hạn chế số lần tiêm, vốn là điều trẻ rất sợ.

3. Khi nào con không nên đi tiêm?

Những trường hợp “chống chỉ định” gồm có:
Chống chỉ định tạm thời:
Trẻ đang sốt.
Trẻ đang mắc 1 bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi v.v…).
Trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, còn đang trong thời kỳ hồi sức.
Đang bị viêm da mủ (bệnh ngoài da, có mủ), hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).
Chống chỉ định lâu dài
Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch (có nước) màng phổi…, nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính v.v…).
Một số chống chỉ định đặc biệt
Đối với tiêm phòng lao: nên tránh cho các trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân; các trẻ đang bị bệnh cấp tính; các trẻ đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển.
Đối với tiêm phòng sởi: nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh bạch cầu (1 dạng ung thư máu), các trẻ đang bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng, các trẻ đang phải chữa bệnh bằng các loại thuốc corticoid (như “đề xa”: dexamethasone, v.v…).
Đối với tiêm phòng thương hàn: nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh ở thận, đang bị tiểu đường, hoặc đang trong 1 tình trạng có hiện tượng dị ứng trầm trọng (như đang trong thời kỳ có cơn suyễn phế quản, v.v…).
Tại sao lại có những trường hợp “chống chỉ định” như trên? Là vì – nói đơn giản – sau nhiều năm nghiên cứu, đã thấy việc tiêm phòng, trong các trường hợp đó có thể gây ra những tai biến đáng tiếc.
Để kết luận, có thể ghi nhớ như sau: việc tiêm phòng cho trẻ luôn luôn là cần thiết, vì những lợi ích to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ, những phản ứng tạm thời của 1 số trường hợp không gây nguy hại cho trẻ, và cũng không làm giảm tác dụng phòng bệnh của việc tiêm phòng. Chỉ duy có 1 số trường hợp cần tránh tiêm phòng – trong 1 thời gian – thì cần ghi nhớ. Do đó, trước khi cho trẻ tiêm phòng, bà mẹ nên báo cho nhân viên tiêm phòng biết về tình trạng sức khỏe trước đây và hiện nay của trẻ, để nhân viên y tế cân nhắc trước khi tiêm phòng và có thể hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết. Có thể tốt hơn nữa, nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi đưa trẻ đến nơi tiêm phòng.
4. Nếu bé ốm, có thể trì hoãn chích ngừa bao lâu?
Chích ngừa đúng thời gian dĩ nhiên là điều tốt nhất, vaccine sẽ phát huy tối đa tác dụng. Tuy nhiên nếu bé không khỏe, có thể cho bé chích sau, nhưng đừng trì hoãn quá lâu.
  *CDC (Center for Disease Control and Prevention’s) đã phát triển hệ thống bắt kịp lịch tiêm chủng (tiếng anh) để giúp cho việc tiêm chủng cho những trẻ nhỏ hơn 6 tuổi đã bỏ lỡ mũi tiêm vaccine.
    Tiêm nhắc hoặc tiêm bổ sung các liều vắc-xin cơ bản giúp trẻ phòng tránh những bệnh lý nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ một cách hoàn hảo nhất thông qua trí nhớ miễn dịch khi trẻ được tiêm ngừa bằng các loại vắc-xin (thuốc chủng) tương thích.
Với các liều vắc-xin tiêm nhắc hoặc tiêm bổ sung về cơ bản tính an toàn không khác biệt với các liều tiêm trước đó, quan trọng hơn các liều tiêm nhắc hoặc tiêm bổ sung còn giúp loại trừ những cơ địa nghi ngờ bị mẫn cảm được phát hiện ở các liều gây miễn dịch cơ bản trước đó giúp việc tiêm chủng cho trẻ an toàn hơn.
Thực tế cho thấy lịch tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại cho trẻ thường khá lâu có khi kéo dài từ 5 năm – 8 năm sau, điều này khó tránh khỏi việc phụ huynh “bỏ quên” lịch tiêm nhắc cho trẻ theo hẹn hoặc trong tình hình “khan hiếm vắc-xin” phổ biến hiện nay đã làm cho lịch tiêm các mũi cơ bản cho trẻ bị gián đoạn làm cho không ít các bậc cha, mẹ hoang mang lo lắng “việc tiêm vắc-xin trễ lịch hẹn” có làm mất hiệu quả tác dụng của thuốc chủng ngừa. 
Những lưu ý quan trọng sau đây sẽ giúp quý phụ huynh giải tỏa những băn khoăn về việc tiêm nhắc và tiêm vắc xin bổ sung cho trẻ:
– Kháng thể (chất bảo vệ) được thụ hưởng sau khi tiêm các loại vắc-xin sẽ giảm dần theo thời gian, đôi khi biến mất, nhưng trí nhớ miễn dịch vẫn còn duy trì.
– Hầu hết các loại vắc-xin đều sinh ra trí nhớ miễn dịch và tồn tại rất lâu. Nhờ trí nhớ miễn dịch nên hệ thống miễn dịch đáp ứng rất nhanh khi tiêm vắc-xin liều nhắc hoặc liều bổ sung, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra lượng kháng thể đầy đủ giúp bảo vệ tối ưu cho trẻ.
– Về mặt khoa học, tăng khoảng cách giữa các liều vắc-xin trong loạt tiêm cơ bản hoặc tăng khoảng cách mũi tiêm nhắc không làm giảm hiệu quả của vắc-xin. Ngược lại, giảm khoảng cách giữa các liều (nghĩa là tiêm vắc-xin sớm hơn so với lịch hẹn) có thể gây hiện tượng giao thoa giữa đáp ứng kháng thể của cơ thể đối với vắc-xin cần tiêm và kháng thể bảo vệ của những lần tiêm trước đó, sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả và tác dụng bảo vệ của thuốc chủng ngừa. Như vậy phụ huynh cần ghi nhớ không cần tiêm vắc-xin lại từ đầu nếu lịch tiêm ngừa của trẻ bị trễ so với hẹn.
5. Mẹ cần mang theo những gì khi cho con đi chích ngừa?
Những giấy tờ liên quan đến việc tiêm chủng trước đó của trẻ, như sổ tiêm chủng, sổ khám bệnh, sổ dinh dưỡng... me đều nên mang theo. Ngoài ra, mẹ nên mang theo nước, sữa, một bộ quần áo (phòng khi bé nôn trớ) và khăn cho bé.
6. Mẹ nên chú ý những gì khi chích ngừa?
Mẹ nên để ý vắc xin của con có được lấy nguyên hộp từ tủ lạnh không? Nếu cần thiết thì mẹ nên xin hộp đựng vaccine về để đọc thông tin, đồng tời biết được hạn sử dụng của vắc xin, tên và nước sản xuất vắc xin.

7. Nên nhờ bác sỹ tư vấn những gì trước khi rời phòng tiêm?
Tất cả những gì mẹ thắc mắc về chích ngừa và sau chích ngừa đều nên hỏi. 
Ví dụ: các tác dụng phụ nào bé có thể gặp phải? Phải xử lý ra sao nếu xuất hiện các tác dụng phụ đó? Lần chích ngừa tiếp theo con sẽ chích mũi gì? Trễ nhất là bao lâu con có thể chích mũi đó?
8. Những phản ứng nào bé sẽ gặp sau khi chích ngừa?
Cho đến nay, nhiều bà mẹ đã thấy rõ lợi ích to lớn của việc tiêm phòng cho trẻ, và đã tích cực đưa trẻ đi tiêm phòng. Tuy nhiên, vẫn còn 1 số bạn chưa hiểu rõ điều này. Chúng tôi đã gặp không ít bà mẹ đã tỏ ra ngần ngại khi được động viên đưa trẻ đi tiêm phòng. Một số bà mẹ thoái thác: “Cháu đi tiêm phòng mấy lần về đều bị phản ứng, phát sốt lên, cả nhà sợ lắm, thôi xin BS miễn cho cháu kỳ này”, hoặc có bà mẹ từ chối hẳn: “gia đình chúng tôi thật không dám cho cháu đi chích ngừa lao nữa, vì trước đây anh cháu đi chích về đã bị sưng hạch ở nách, phải chữa hàng tháng mới khỏi…” hoặc “cháu uống thuốc ngừa bại liệt song thì bị tiêu chảy ngay, nên lần này không dám cho cháu đi uống nữa”…

Xem xét các trường hợp trên, chúng tôi đã thấy rằng hầu hết các trẻ đó đều không có chống chỉ định trong tiêm phòng, nghĩa là vẫn có thể tiêm phòng trong an toàn. Có những ngần ngại hoặc những từ chối trên kia, chỉ là do bà mẹ chưa hiểu hết đầy đủ về việc tiêm phòng thôi.

Tiêm phòng là một biện pháp thực tế nhất, hiệu quả nhất để phòng bệnh: điều đó chắc mọi chúng ta đều rõ. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, trong 1 số trường hợp, có thể xảy ra phản ứng ở trẻ. Những phản ứng này, thầy thuốc không mong muốn có, gia đình lại càng không mong muốn có, cho nên được gọi là những phản ứng không mong muốn. Vậy những phản ứng đó ra sao? Có nguy hại cho trẻ không? Có làm mất tác dụng phòng bệnh của thuốc không? Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng vấn đề trên đây.

1. Phản ứng tại chỗ: Phản ứng này luôn xảy ra sau khi tiêm phòng. Một số trẻ cảm thấy đau nơi tiêm, cảm giác đau đó thường kéo dài từ 1 vài giờ đến 1 ngày, có thể làm các trẻ nhỏ quấy khóc. Một số trẻ khác lại thấy nổi cục lên ở nơi tiêm. Cục này thường nhỏ bằng hạt đậu, có khi viêm tấy đỏ, và có thể tồn tại tới 2-3 tuần mới tiêu tan. Cũng có trẻ lại bị mẩn ngứa xung quanh nơi tiêm, có thể kéo dài từ 3 tới 6 ngày. Những phản ứng này có thể xảy ra trong 5-10% số các trẻ tiêm phòng và thường là tự khỏi.

2. Phản ứng toàn thân: ở đây, sốt là chứng hay gặp nhất. Sau khi tiêm phòng 1 vài giờ hoặc 1 ngày, một số trẻ có thể bị sốt: sốt thường nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao (trên 39o), kèm theo tình trạng vật vã, quấy khóc, những trẻ lớn có thể kêu nhức đầu. Chứng sốt này hay thấy hơn cả trong các trường hợp tiêm phòng bệnh thương hàn, tiêm phòng bệnh ho gà. Cũng có trường hợp, sau khi tiêm phòng sau tới 5-12 ngày, trẻ mới bị sốt: thông thường chứng sốt muộân này xảy ra sau khi tiêm phòng bệnh sởi, đôi khi tiêm phòng bệnh quai bị. Tuy nhiên, tất cả các chứng sốt nói trên đều khỏi trong 1-2 ngày, và thường là tự khỏi. Chỉ có một số ít trường hợp sốt cao mới cần dùng đến thuốc hạ nhiệt (Paracetamol). Chúng tôi chưa hề gặp một tai biến nào nguy hiểm trong các trường hợp sốt sau tiêm phòng nói trên.

3. Phản ứng ngoài da: Ban mề đay, ngứa toàn thân, đôi khi có thể xảy ra ở một số trẻ có tiền sử hay bị dị ứng, và có thể tồn tại từ 3 đến 6 ngày. Ngoài ra, tình trạng phát ban (ban đỏ, gần giống như ban sởi, nhưng nhẹ hơn) có thể xảy ra 2-10% trẻ tiêm phòng bệnh sởi hoặc bệnh rubêôn. Ban này thường xuất hiện trong khoảng từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 12 sau khi tiêm phòng, có thể kèm theo sốt nhẹ, và thường tự khỏi không cần dùng thuốc. Chỉ có một số trường hợp ban mề đay, nếu gây khó chịu nhiều cho trẻ, thì có thể dùng thêm 1 số thuốc chống dị ứng (Sirop Phenergan, Sirop Promethazine…).

4. Tai biến thần kinh: Đây mới là các tai biến đáng quan tâm hơn cả. Một số ít trẻ sau khi tiêm phòng bệnh ho gà, có thể bị co giật (làm kinh) đôi khi kèm theo sốt cao. Các cơn co giật này có thể xảy ra trong khoảng từ 30 phút đến 3 ngày sau khi tiêm phòng. Phần lớn các trẻ này, qua điều tra, đã thấy có tiền sử có những cơn làm kinh từ trước khi tiêm phòng ho gà. Tỷ lệ các trẻ làm kinh là khoảng 0,6%, nghĩa là trong 1.000 trẻ em tiêm phòng ho gà, thì có khoảng 6 trẻ có thể lên cơn co giật (hầu hết đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đó). Đại đa số trường hợp nói trên đều qua khỏi; chúng tôi chưa gặp 1 trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng trong số các trẻ nói trên. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng việc tiêm phòng ho gà cho những trẻ đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đây, và cũng có thể miễn cho các trẻ này. Nếu xét thấy không thật sự cần thiết. Ở một số quốc gia, tình trạng này được coi là 1 “chống chỉ định” cho việc tiêm phòng ho gà.

Đặc biệt, một số ít trường hợp bệnh não có thể xảy ra, cũng ở những trẻ tiêm phòng ho gà mà đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đó. Những trẻ này thường nhỏ tuổi (dưới 6 tháng), sau khi tiêm có thể bị hôn mê, co giật, nôn ói… và có thể để lại di chứng sau này. Tuy nhiên, số trẻ bị bệnh não này rất hiếm: theo 1 công trình nghiên cứu quốc tế, thì chỉ chiếm 1 phần triệu số trẻ tiêm phòng nói trên. Đối với những trẻ này, dĩ nhiên nên cho miễn việc chích ngừa ho gà.

5. Hội chứng “rên la kéo dài”: Một số trẻ, thường ở lứa tuổi 3-6 tháng sau tiêm phòng khoảng 6-10 giờ, bổng phát ra những tiếng rên, có khi la hét to lên. Sự rên la này có thể xảy ra ở khoảng dưới 3% số trẻ tiêm phòng. Những tình trạng này có thể tự khỏi, nhưng nhiều khi thầy thuốc buộc phải dùng thuốc an thần để làm yên trẻ, và để gia đình an tâm. Tác giả đã có trường hợp phải dùng thuốc ngủ (Gerdenal) cho 1 trẻ la hét quá dữ. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp nói trên – chỉ do ảnh hưởng của thuốc tới thần kinh của trẻ – đều qua khỏi không gây biến chứng gì.

6. Viêm hạch: Ở một số trẻ nhỏ, sau khi tiêm thuốc phòng lao (BCG) có thể thấy nổi hạch ở nách, bên phía mới tiêm phòng: trẻ đã có hiện tượng “viêm hạch nách do tiêm phòng lao”. Viêm hạch này có thể xuất hiện sau khi tiêm phòng khoảng 3 đến 5 tuần, và có 2 loại: viêm hạch đơn thuần và viêm hạch hóa mủ.
Viêm hạch đơn thuần, là hạch nổi sưng to lên thường to bằng hạt đậu phộng (hột lạc), sờ vào hơi cứng, nhưng không có mủ ở trong, và thường sưng kéo dài khoảng 1 tháng rồi tự khỏi. Theo 1 thống kê quốc tế, thì tình trạng viêm hạch đơn thuần này có thể xảy ra ở khoảng 6-12% số trẻ tiêm phòng lao, và thường không gây khó chịu gì cho trẻ.
Loại viêm hạch hóa mủ gây phiền phức hơn: hạch sưng tấy lên, to dần, có khi bằng 1 quả chanh, ấn vào thấy lũng nhũng vì mủ ở trong. Hạch này có thể tự vỡ, mủ chảy ra, rồi sau khi được rửa sạch hàng ngày, sẽ khỏi dần. Tuy nhiên, cũng có 1 số trường hợp phải can thiệp bằng phẫu thuật: mổ ra, nạo mủ, rồi băng lại. Dĩ nhiên, cũng phải rửa sạch hàng ngày. Loại viêm hạch hóa mủ này có thể xảy ra ở khoảng 0,1-4,3% trẻ tiêm phòng lao, theo 1 thống kê quốc tế.
Thông thường, ở những trẻ có viêm hạch như kể trên, tình trạng toàn thân vẫn tốt, trẻ không sốt, và vẫn có thể tăng cân đều đặn như mọi trẻ bình thường khác.
Chứng viêm hạch nói trên – tuy được coi là một phản ứng đặc biệt của việc tiêm phòng lao – nhưng cũng đôi khi, rất hiếm, có thể xảy ra sau tiêm phòng thuốc khác, như sau khi tiêm phòng bệnh sởi hoặc bệnh rubêôn.
Nói chung, các hiện tượng viêm hạch kể trên đều không gây nguy hiểm gì cho trẻ và đều qua khỏi sau 1 thời gian. Điều đáng ghi nhớ, là các hiện tượng đó không hề làm giảm tác dụng phòng bệnh của việc tiêm phòng.

9. Xử lý thế nào khi con bị sốt sau khi chích ngừa?
Sau khi chích ngừa, mẹ cần để trẻ ở lại 30 phút để các cán bộ y tế theo dõi. Các phản ứng như sốt nhẹ (dưới 38,5 độ), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại vết tiêm, quấy khóc là những phản ứng hết sức bình thường. Bé có thể sốt nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao (trên 39 độ C), kèm theo tình trạng quấy khóc. Mẹ nên cho con nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng, thoải mái, chườm mát cho trẻ bằng khăn ẩm hoặc cho bé uống thuốc hạ sốt khi sốt khi bé sốt từ 38o5C trở lên. Không nên uống hay đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây hoặc miếng dán hạ sốt trực tiếp lên vết tiêm bởi như vậy sẽ làm giảm tác dụng của vacxin.

10. Khi nào nên đưa con đến bệnh viện?
Chắc chắn sau khi chích ngừa xong, bác sĩ sẽ dặn mẹ nên đưa con đi khám khi thấy những biểu hiện sau: sốt cao trên 38.5 độ trở lên và không giảm sau khi uống thuốc hạ sốt, nổi ban, co giật hoặc co giật giống như động kinh; con khó thở - yếu mệt - tim đập nhanh hoặc tím tái, mất ý thức.

11. Khi nào tiêm nhắc vắc-xin lại cho trẻ
Ths.Bs Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phù hợp theo lứa tuổi sẽ tạo cho cơ thể trẻ một sức đề kháng tốt hơn để ngăn ngừa những tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, để việc phòng bệnh đạt được hiệu quả tối ưu phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm bổ sung hoặc tiêm nhắc các mũi vắc xin có chỉ định tiêm nhắc theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ em.

Theo nhận định của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, đợt tiêm ngừa cơ bản là đợt tiêm ngừa đầu tiên cho trẻ một loại vắc-xin có khả năng phòng ngừa một hoặc nhiều bệnh lý trong thời kỳ thơ ấu. Theo thời gian, lượng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần và có khi thấp dưới ngưỡng bảo vệ. Liều vắc-xin nhắc lại sẽ giúp gợi lại “trí nhớ” của hệ miễn dịch để “tái sản xuất” lượng kháng thể mà trước đó đã được tạo ra sau đợt chủng ngừa cơ bản đầu tiên cho trẻ.

Những liều vắc-xin tiêm nhắc sẽ giúp cơ thể người được tiêm chủng đạt mức bảo vệ gần như tuyệt đối 100%, một số đối tượng được tiêm vắc-xin nhưng chưa được bảo vệ hoặc mức bảo vệ chưa cao khiến người đã được tiêm chủng vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh. Việc tiêm nhắc các loại vắc-xin được khuyến cáo sẽ góp phần nâng cao thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong việc nỗ lực làm giảm đáng kể bệnh tật nguy hiểm ở trẻ, đảm bảo sự bảo vệ đặc hiệu và lâu bền trong cuộc chiến chống lại những tác nhân gây bệnh nguy hiểm cho trẻ em.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo việc tiêm bổ sung hoặc tiêm nhắc lại vắc-xin để tăng hiệu quả phòng ngừa một số bệnh, nhưng mức độ áp dụng vào chương trình tiêm chủng quốc gia thì tùy theo nguồn lực đặc thù của mỗi vùng, miền. Đặc biệt việc áp dụng chương trình tiêm nhắc lại các vắc-xin cho trẻ em và cho cả những người đã trưởng thành là quyết định đúng đắn, giúp khống chế, đẩy lùi và thanh toán các bệnh nguy hiểm.

Các loại vắc-xin cần tiêm nhắc cho trẻ
Để giúp cơ thể tiếp tục được bảo vệ một cách hiệu quả, cần tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại để nâng cao hiệu giá kháng thể. Việc tiêm các mũi nhắc lại chỉ áp dụng với các loại vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó (thông thường là loại vắc-xin bất hoạt còn gọi là vắc xin chết). Lịch tiêm nhắc các loại vắc-xin được khuyến cáo áp dụng như sau
– Vắc-xin DTC- ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván: trẻ được tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi. Không nên tiêm nhắc trước lịch quy định. Nếu trễ lịch tiêm nhắc có thể tiêm muộn hơn nhưng không nên để quá 3 tuổi.
– Vắc-xin bại liệt uống: có thể cho trẻ dưới 5 tuổi uống 2 liều bổ sung cách nhau 1 tháng để nâng cao khả năng bảo vệ của cơ thể.
– Vắc-xin phòng ngừa nhiễm khuẩn do Hib: nên tiêm nhắc lúc trẻ được 18 tháng tuổi.
– Vắc-xin viêm não Nhật Bản: cần nhắc mũi 3 một năm sau mũi 2. Sau đó 3 – 5 năm nên tiêm nhắc.
– Vắc-xin sởi: cần tiêm nhắc cho trẻ lúc 18 tháng tuổi bằng vắc-xin sởi đơn giá hoặc vắc-xin phối hợp 3 trong 1 ngừa bệnh Sởi – Quai bị – Rubella (vắc-xin MMR).
– Vắc-xin cúm: được tiêm nhắc hằng năm trước mùa dịch, đặc biệt là cho các đối tượng nguy cơ như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, hen suyễn…
– Vắc-xin tả uống: nên dùng hằng năm tại các vùng thường xuyên xảy ra dịch cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao.
– Vắc-xin thương hàn: tiêm nhắc lại sau 2 – 3 năm tại những vùng lưu hành nặng hoặc có dịch, đặc biệt cho đối tượng trẻ em và người cao tuổi.
– Vắc-xin phế cầu: tiêm nhắc lại vào năm thứ 3 sau mũi tiêm thứ nhất.
– Vắc-xin não mô cầu: tiêm nhắc vào năm thứ 3 sau mũi tiêm thứ nhất.
– Vắc-xin dại: với các đối tượng nguy cơ cao như người làm nghề giết mổ gia súc nên tiêm phòng và tiêm nhắc lại song nói chung vắc-xin này chủ yếu dùng để điều trị dự phòng khi bị phơi nhiễm.

Xử trí khi bị sốc phản vệ do tiêm văcxin
Khi bệnh nhân bị sốc phản vệ, cần dừng tiêm văcxin và gọi 115. Điều dưỡng tại hiện trường có thể tiêm thuốc adrenaline dưới da theo phác đồ được hướng dẫn.

GIẢI ĐÁP MỘT SỐ HIỂU NHẦM VỀ CHÍCH NGỪA CHO TRẺ

Hỏi về vaccine tiêm phòng 6 mũi trong 1 của trẻ em
Cháu tôi mới 3 tháng tuổi lúc cháu 2 tháng tuổi đi chính ngừa bác sĩ tư vấn chích mũi chũng ngừa 6 trong 1 và tôi đã chích cho cháu 1 mũi nhưng tôi hơi phân vân liệu mũi 6 trong 1 so với những mũi ngừa bình thường có tác dụng lên bé như thế nào và liệu có tốt cho trẻ sơ sinh hay không ? Xin BS tư vấn dùm! xin cảm ơn!
(Hồ Thị Lương Trâm)
Trả lời của Bs nhi khoa:
Vaccine 6 trong 1 mang tên INFANRIX HEXA là Vaccine phối hợp dự phòng 6 bệnh ở trẻ nhỏ: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Hacmophilus influenzac type b ( Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ. Vaccine này giúp cho các trẻ nhỏ tránh khỏi những loại bệnh có thể chủng ngừa và giúp giảm số mũi tiêm từ 9 xuống còn 3 mũi (nếu chích ngay từ đầu).
Đây là loại vaccine phối hợp “6 trong 1”, bởi chỉ tiêm 1 mũi, vaccine này có thể ngừa được 6 bệnh. Cụ thể, nó có tác dụng bảo vệ trẻ chống những căn bệnh có khả năng gây tử vong hoặc tàn tật như: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B, bại liệt và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp b (Hib), đặc biệt là viêm màng não mủ.
Vaccine Infanrix hexa đã được cấp phép lưu hành trên 70 quốc gia trên khắp thế giới. Tại châu Âu, Infanrix hexa được đưa vào sử dụng từ ngày 23/10/ 2000 và đang được hầu hết các nước: Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Luxembua, Tây Ban Nha, Thụy Điển… dùng để tiêm phòng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Theo các chuyên gia tại Bệnh Viện Nhi Trung ương, trong năm đầu đời, trẻ sơ sinh cần phải được tiêm phòng một số loại bệnh với số lượng 9 mũi tiêm. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Nhi trước khi tiêm phòng cho bé!
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!
Hỏi: Phản ứng phụ sau tiêm phòng văcxin

Con tôi được 5 tháng tuổi, tiêm phòng lần thứ 3, tại vết tiêm có hiện tượng sưng tấy bằng quả trứng gà, có mầu đỏ, hơi sốt nhẹ và rất quây. Tôi muốn hỏi: như vậy có bình thường không?làm thế nào để cho vết sưng của cháu được trở lại bình thương?người ta nói dùng khoai tây đắp lên đó sẽ khỏi, như vậy có đúng không ? Mong được các bác sĩ trả lời sớm , Tôi vô cùng cảm ơn .
(Nguyễn Anh Tuấn)

Trả lời của Bs nhi khoa: Phản ứng phụ sau tiêm phòng:
– Văcxin BCG: Văcxin tiêm phòng lao: Phản ứng thường xảy ra sau tiêm khoảng 2 tuần, tại chỗ tiêm xuất hiện sưng đỏ sau đó tự vỡ, chỉ cần đặt gạc khô lên trên, vết loát tự lành thành sẹo. Trường hợp vết loét viêm tấy nặng, trẻ bị sốt, xuất hiện hạch ở nách thì phải đưa trẻ đi khám để bác sĩ tuỳ vào tình hình cụ thể sẽ quyết định phải làm gì.
– Văcxin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván: Sau khi tiêm, một số cháu bị sốt về chiều, tối. trẻ sẽ hết sốt trong vòng 24 h. Nếu sốt trên 1 ngày sau tiêm thì phải theo dõi và đưa trẻ đi khám vì đó không phải là sốt do văcxin.
– Văcxin sởi: Trẻ có thể có các phản ứng phụ như sốt, nổi ban sau khi tiêm văxin khoảng 1 tuần, trẻ có thể sốt 1- 3 ngày đôi khi có nổi ban giống như sởi. Nếu trẻ bị sốt quá cao thì phải dùng thuốc hạ sốt. Nhưng nếu sốt kéo dài quá 3 ngày thì phải cho trẻ đi khám vì có thể sốt đó không phải do tiêm.
– Nếu trẻ sốt cao trên 39oC, sưng tấy chỗ tiêm có thể cho uống thêm viên paracetamon (Liều áp dụng theo cân nặng của trẻ), cho trẻ uống nhiều nước hoa quả.
– Nếu chỗ sưng tấy, đỏ, đau nhỏ và khỏi thông thường sẽ khỏi trong vòng 3 – 4 ngày. Nếu sưng tấy to, xuất hiện muộn hơn, lâu hơn thì có thể trẻ bị apxe chỗ tiêm, cần đưa trẻ đi khám sớm.
Chúc bạn và bé mạnh khoẻ

Tổng hợp những giải đáp của Bác sĩ Nguyễn Trí đoàn về chích ngừa ở trẻ em:

Câu hỏi: Nhiều phụ huynh hiện tại khá bận rộn với lịch làm việc, nên thường không tiêm đầy đủ các loại chủng ngừa cho trẻ. Tuy nhiên, khi các bậc phụ huynh được đề nghị chích nhiều loại vắc-xin cùng một lúc thì phần lớn họ đều e ngại là không an toàn cho trẻ, sợ sức khỏe và cơ thể trẻ không chịu được nhiều loại vắc-xin cùng một lúc.
Trả lời: Không có chống chỉ định đối với chích đồng thời các loại vắc-xin.
Nghiên cứu cho thấy cơ thể của trẻ, ngay cả trẻ sơ sinh, có thể dung nạp nhiều loại vắc-xin cùng một lúc. Chích nhiều loại vắc-xin cùng một lúc vẫn an toàn, ngay cả đối với trẻ sơ sinh. Nhờ các tiến bộ trong khoa học, hiện nay có nhiều vắc-xin hơn vài năm trước đây, chúng ta có thể bảo vệ trẻ chống lại nhiều bệnh hơn bao giờ hết.
Lợi ích của chích nhiều mũi vắc-xin cùng lúc là muốn chủng ngừa cho trẻ càng nhanh càng tốt để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu của cuộc sống. Chích nhiều mũi cùng lúc có nghĩa là số lần đưa trẻ đi chích ngừa ít hơn, điều này tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc cho cha mẹ. Ngoài ra, trẻ đau và khóc một lần còn hơn là đau và khóc nhiều lần, bé sẽ có ấn tượng về chích ngừa. Hơn nữa, ở Việt Nam, chuyện hết vắc-xin có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, chích nhiều mũi vắc-xin cùng lúc cũng giúp cho bé được chích đầy đủ vắc-xin và không bị thiếu vắc-xin khi thuốc hết.
Một số cha mẹ lo lắng rằng chích quá nhiều loại vắc-xin cùng một lúc sẽ “áp đảo” hệ thống miễn dịch của con mình. Nhưng cơ thể của trẻ chống lại vi trùng mỗi ngày, hệ thống miễn dịch của trẻ sẵn sàng và giữ cho trẻ khỏe mạnh!
Nhũ nhi và trẻ em tiếp xúc với nhiều vi trùng hàng ngày khi chơi, ăn uống, và thở. Hệ thống miễn dịch chống lại vi trùng, còn gọi là kháng nguyên, để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Lượng kháng nguyên mà trẻ em chiến đấu mỗi ngày (2,000-6,000) là nhiều hơn so với các kháng nguyên trong các mũi vắc xin phối hợp hay khi chích cùng lúc quá nhiều mũi vắc-xin. Vì vậy, hệ thống miễn dịch của trẻ em không bị “choáng ngợp” bởi nhiều vắc-xin.
Vắc-xin phối hợp bảo vệ con bạn chống lại được nhiều bệnh, giảm số mũi chích ngừa.

Câu hỏi: Tôi nghe nói rằng một số vắc xin có thể gây ra chứng tự kỷ. Điều này có đúng không?
Trả lời: Không đúng.
Khoa học nghiên cứu và đánh giá là không có mối quan hệ giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ. Nhóm các chuyên gia, bao gồm Hội nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Viện Y khoa (IOM), cũng đồng ý rằng vắc-xin không chịu trách nhiệm về số trẻ em có chứng tự kỷ.

Câu hỏi: Con tôi đang bị bệnh, có chích ngừa được không?
Trả lời: Có, thông thường, trẻ em có thể được chích ngừa ngay cả khi trẻ có một bệnh nhẹ như đau tai, cảm lạnh, sốt nhẹ, hoặc tiêu chảy.
Nếu bác sĩ khám và nói rằng con bạn có thể chích ngừa được thì bạn có thể yên tâm cho trẻ chích ngừa. Mặt khác, nếu con bạn đi khám vì một bệnh nào đó, mà bệnh đó không nghiêm trọng hoặc đó là lúc bệnh đang giai đoạn hồi phục, bác sĩ có thể đề nghị chích ngừa cho bé những vaccine còn thiếu.

Câu hỏi: Khoảng cách giữa 2 lần chích ngừa là bao lâu? Nếu trễ 1 mũi thì sao?
Trả lời: Không có khoảng thời gian tối thiểu giữa các liều vắc-xin bất hoạt khác nhau. (Vắc-xin bất hoạt như: vắc-xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib, viêm gan A, B, não mô cầu, viêm não Nhật Bản B…)
 Tuy nhiên, có khoảng thời gian tối thiểu giữa các vắc-xin cùng loại. Ví dụ: 2 mũi viêm gan A cách nhau ít nhất 6 tháng. Viêm não Nhật Bản B, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tuần, mũi thứ ba cách mũi thứ nhất 1 tháng hoặc 1 năm đều được.
– Vắc-xin sống như Sởi-Quai bị-Rubella, Trái rạ, Lao, Bại liệt uống (OPV) nếu không được chủng ngừa cùng lúc thì phải cách nhau ít nhất 4 tuần.
Bất cứ trình tự thời gian giữa các vắc-xin sống và vắc-xin bất hoạt, hoặc vắc-xin sống đường uống và bất cứ loại vắc-xin khác, đều chấp nhận được.
Nếu chích ngừa trễ, không cần phải bắt đầu lại từ đầu, chích mũi bị trễ và tiếp tục các mũi theo lịch. Nói cách khác, chỉ áp dụng khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 mũi cùng loại mà không cần tính thời gian tối đa.

Câu hỏi: Trẻ không rõ đã mắc bệnh, hay không rõ chích ngừa bệnh đó hay chưa, nếu chích ngừa lại, thì có hại gì không?

Trả lời: Không có hại.
Ví dụ: Nếu không rõ đã mắc bệnh thủy đậu hoặc chích ngừa thủy đậu hay chưa, thì nên Chích ngừa! Đối với một số bệnh, chích ngừa được chỉ định ngay cả khi người đã có bệnh, ví dụ: trẻ em <2 tuổi nhiễm Hib (nhiễm trùng không gây miễn dịch hiệu quả).
Thuốc chủng ngừa cúm nên chích mỗi năm cho dù trẻ có mắc bệnh cúm trong quá khứ.
Ngoại lệ: Polysaccharide phế cầu khuẩn và BH-UV-HG, các phản ứng phụ nhiều hơn khi liều lượng ngày càng tăng, ví dụ những mũi vắc-xin BH-UV-HG sau dễ tạo một cục sưng ở chỗ chích hơn mũi đầu.

Câu hỏi: Trẻ chích ngừa viêm gan A mũi 1 của công ty GSK, giờ chích mũi 2 mà hết thuốc, có chích thuốc của công ty khác được không?

Trả lời là: Được. Vắc xin của các nhà sản xuất khác nhau có thể được hoán đổi cho nhau.
Vacxin 5 trong 1 và vacxin 6 trong 1 loại nào tốt hơn?
Chào bác sĩ,
Em rất cảm ơn vì đã sớm nhận được câu trả lời của BS.
BS cho em hỏi. Em đã chích cho bé như sau:
Lần 1 khi bé được 2,5 tháng, chích mũi 6 trong 1 (Infanx hexa) về bé không bị sốt (chích dịch vụ tại Trung tâm Y tế).
Lần 2 khi bé được 3,5 tháng, chích mũi 5 trong 1 và uống bại liệt (tại Trạm Y tế phường). Về nhà bé bị sốt khoảng 10 tiếng, có khi trên 38 độ.
Vậy lần 3 khi bé được 4,5 tháng, em nên cho bé chích mũi 6 trong 1 hay mũi 5 trong 1 kèm uống ngừa bại liệt? Chích mũi nào thì tốt hơn ạ?
Em tính chích cho bé mũi 6 trong 1 để bé đỡ sốt nhưng nhân viên Trung tâm Y tế nói chích xen kẽ không tốt.
Rất mong nhận được trả lời của BS. Xin chân thành cảm ơn BS!
Trả lời của bác sĩ nhi khoa:
Chào em,
Vacxin 6 trong 1 bao gồm 6 thành phần là bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm.
Vacxin 5 trong 1 là vaccine tổng hợp phòng 5 bệnh gây nguy hiểm cho trẻ gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzase (Hib) đặc biệt là viêm màng não mủ trong một mũi tiêm.
Như BS đã trình bày, vacxin 6 trong 1 khác với vacxin 5 trong 1 là:
– Vacxin 6 trong 1 có 6 bệnh.
– Bé chỉ cần tiêm một mũi là đủ 6 bệnh.
– Không phải uống thêm một liều vacxin ngừa bại liệt như khi dùng vacxin 5 trong 1.
– Điều đặc biệt nữa là vacxin 6 trong 1 em phải đóng tiền.
Trường hợp của con em, em có thể cho bé tiêm ngừa vacxin 6 trong 1 hoặc vacxin 5 trong 1 và uống thêm một liều vacxin ngừa bại liệt đều được, tùy theo em cân nhắc túi tiền của em. Hiện chưa có nghiên cứu vacxin nào là tốt hơn em ạ.

Chỉ có sự so sánh vacxin tổng hợp này có nhiều ưu điểm hơn các loại vacxin tiêm từng mũi một trước đây:
– Giảm số mũi tiêm cho em bé (từ 9 mũi xuống còn 3 mũi), giảm đau đớn cho bé yêu.
– Tiết kiệm thời gian đi lại cho các bậc cha mẹ.
– Thành phần ho gà trong vacxin 6 trong 1 là loại vô bào nên an toàn, ít sốt và ít tác dụng phụ hơn các loại vacxin có thành phần ho gà là loại toàn tế bào.
Chúc bé yêu của em luôn khỏe mạnh!

Xem thêm:
Lịch tiêm chủng cho người lớn và trẻ > 15 tuổi



Nguồn tài liệu tham khảo:
Chương trình tiêm chủng mở rộng - Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương
Hướng dẫn về tiêm chủng mở rộng - Bệnh viện Nhi Trung Ương.
Xử trí khi bị sốc phản vệ do tiêm văcxin  -TS Đỗ Quốc Huy, Phó giám đốc bệnh viện Nhân dân 115, Trưởng Bộ môn Hồi sức Cấp cứu - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (vnExpress)
Giải pháp về một số hiểu nhầm về chích ngừa cho trẻ em - Tổng hợp trả lời của Bác sĩ nhi khoa và Bác sĩ Nguyễn Trí.

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét